Ngày 20/04, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/2018/NĐ-CP (Nghị định 59), sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP (Nghị định 08) về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, có hiệu lực từ 05/06/2018.

BỔ SUNG NHIỀU ĐIỂM MỚI VỀ THỦ TỤC XUẤT NHẬP KHẨU

Theo Tổng cục Hải quan (cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Nghị định 59), Nghị định 59, sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 08 nhằm thực hiện các chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP; đảm bảo rõ ràng, cụ thể, minh bạch trong quy định và thống nhất thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu (XNK), phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực hải quan,…

Ông Nguyễn Nhất Kha – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho hay, Nghị định 59 đã quy định và phân định rõ ràng giữa hàng quá cảnh và hàng trung chuyển. Đây là vấn đề chưa thống nhất trong một số văn bản quy phạm pháp luật và gây vướng mắc cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp (DN) trong thực hiện, áp dụng.

Tại Nghị định 08 trước đây quy định hàng trung chuyển vào tại một cảng và chỉ được đưa ra từ cảng đó; chưa phân định rõ ràng giữa hàng quá cảnh và hàng trung chuyển, dẫn đến phát sinh việc các đối tượng bị điều chỉnh thực hiện không thống nhất. Trong khi, đây là các hoạt động đã được Luật Thương mại cho phép và phù hợp với thông lệ quốc tế, cần được tạo thuận lợi cho hoạt động logistic phát triển.

Bên cạnh đó, Nghị định 59 cũng củng cố cơ sở pháp lý về thống kê hải quan, về thời điểm thông báo kết quả phân luồng tờ khai,… để đảm bảo quản lý về hải quan, tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Bổ sung khái niệm “kiểm tra chuyên ngành”, “Cổng thông tin một cửa quốc gia”; sửa đổi, bổ sung địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh; sửa đổi quy định đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan; xác định thế nào là “cửa khẩu xuất”; thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải; về công tác kiểm soát hải quan, thu thập, cung cấp thông tin của cơ quan hải quan,…

Chuẩn hóa quy định xác định trị giá hải quan

Cũng theo ông Nguyễn Nhất Kha, một trong những nội dung quan trọng bậc nhất được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59 là về kiểm tra, xác định trị giá hải quan. Nghị định 59 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến trị giá hải quan như về phương pháp xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu (XK); khái niệm về cửa khẩu xuất; về kiểm tra, xác định trị giá hải quan, nhằm khắc phục những hạn chế phát sinh trong thực tế hoạt động XNK của DN mà các quy định hiện hành chưa bao quát được.

Tại Điều 86 Luật Hải quan và Nghị định số 08 chưa quy định phương pháp xác định trị giá hải quan cho trường hợp không xác định được trị giá hải quan theo hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại (bao gồm cả trường hợp chi phí liên quan đến hàng hóa XK tính đến cửa khẩu xuất chưa thể hiện trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại).

Khắc phục hạn chế nêu trên, nghị định mới đã bổ sung thêm 03 phương pháp xác định trị giá hải quan hàng XK, theo hướng sử dụng trị giá của hàng hóa giống hệt, tương tự trên cơ sở dữ liệu trị giá hải quan; giá bán hàng hóa giống hệt, tương tự tại thị trường Việt Nam; giá bán hàng hóa XK do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại. Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên nhằm đảm bảo đủ căn cứ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xác định trị giá hải quan hàng XK mà không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Cũng liên quan đến vấn đề trị giá hải quan, khái niệm cửa khẩu xuất đã được làm rõ, qua đó đã khắc phục vướng mắc liên quan trước đây do không quy định thế nào là cửa khẩu xuất, dẫn đến không xác định được các khoản chi phí liên quan khi xác định trị giá hải quan hàng XK.

Vấn đề kiểm tra, xác định trị giá hải quan cũng được sửa đổi tạo thuận lợi cho DN thông quan việc thủ tục, quy trình thực hiện kiểm tra trị giá được thực hiện thống nhất tại khâu thông quan; đảm bảo tính công bằng, bình đẳng cho người khai hải quan trong khai báo, xác định trị giá, tham vấn; khắc phục tình trạng kiểm tra trùng lắp, chồng chéo, vừa tham vấn, vừa thực hiện kiểm tra sau thông quan; tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Để triển khai Nghị định 59, Tổng cục Hải quan cũng trình Bộ Tài chính xem xét, ban hành Thông tư 38/2015/TT-BTC sửa đổi; đồng thời từ nay đến khi Nghị định 59 có hiệu lực 05/06/2018, cơ quan hải quan tiến hành tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện nghị định cho cộng đồng DN và cả cơ quan hải quan trên cả nước.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Xem toàn bộ Nghị định 59:2018:NĐ-CP

https://consulting.onexlogistics.com/wp-content/uploads/2018/05/Ngh%E1%BB%8B-%C4%91%E1%BB%8Bnh-592018N%C4%90-CP.pdf

ONEX Logistics Team.

Written by

Tài khoản dùng để quản trị website của bạn !

Comment (1)

  • 21/08/2024

    Wm Mautz

    Cách bạn sắp xếp nội dung rất dễ theo dõi, tạo cảm giác mạch lạc.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

footer shape